Header Ads Widget

Chế độ dinh dưỡng, ăn uống cho người bị thoái hóa khớp

Thóa hóa xương khớp là căn bệnh khá phổ biến với người Việt Nam. Ăn uống không hợp lý có thể khiến bệnh thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn. Vậy, chế độ ăn cho người bị thoái hóa khớp nên thiết lập như thế nào để giảm bớt các cơn đau nhức và triệu chứng của bệnh? Thông qua bài viết dưới đây, BacSiDinhDuong.com sẽ giúp bạn tìm hiểu về các loại thực phẩm vừa tốt cho xương khớp vừa cải thiện sức khỏe.

1. Nguyên nhân của thoái hóa khớp

- Tuổi tác: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp thường gặp. Tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa tự nhiên bên trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng.

- Thừa cân béo phì:  cân nặng sẽ gây áp lực lên các khớp đặc biệt là cột sống và khớp gối, trong thời gian dài sẽ khiến khớp và hệ thống dây chằng bị tổn thương và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Luyện tập thể thao quá độ: Luyện tập thể dục thể thao quá độ hoặc không đúng cách gây chấn thương tại các khớp.

- Thói quen sinh hoạt sai tư thế: Tư thế làm việc, ngồi, nằm hoặc cúi gập người sai tư thế đều có tác động tiêu cực đến hệ thống xương khớp. Ngoài ra, bạn phải thường xuyên mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu sẽ khiến cho việc lưu thông máu đi nuôi dưỡng xương khớp bị cản trở từ đó chúng dễ bị suy yếu và tổn thương hơn.

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp khá phổ biến. Đặc biệt, nếu cơ thể thiếu hụt các yếu tố như canxi, glucosamine và chondroitin sẽ khiến cho mật độ xương giảm dần, điều này khiến cho hệ thống sụn khớp dễ bị bào mòn và thoái hóa hơn.

- Do mắc các bệnh lý: Thoái hóa khớp cũng có thể là hậu quả của một số bệnh lý xương khớp về khác như loãng xương, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp,…

2. Nguyên tắc thiết lập chế độ ăn cho người bị thoái hóa khớp

Trước khi thiết kế cho mình một chế độ ăn uống đảm bảo, người bị thoái hóa khớp nên nắm vững các nguyên tắc dưới đây:

Duy trì cân nặng ở mức bình thường:

Khớp gối luôn phải gánh chịu toàn bộ sức nặng của phần trên cơ thể. Do đó, những người béo phì có khối lượng lớn sẽ tạo ra một áp lực đè nặng lên khớp gối. Để bệnh không tiến triển nặng hơn, bạn nên duy trì cân nặng của mình ở mức bình thường.

Vì vậy, người thoái hóa khớp nên thiết lập một chế độ ăn uống như thế nào để vừa tốt cho xương khớp và vừa cân bằng được khối lượng cơ thể.

Giảm tình trạng viêm nhiễm tại khớp:

Viêm nhiễm sẽ tạo ra các chất tự do gây tổn thương khớp. Do đó, bạn nên ăn nhiều thực phẩm có khả năng kháng viêm và giàu chất chống oxy hóa để bảo vệ khớp. Một số thực phẩm giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh đó là: omega 3, omega 6, rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin A, C, E,…

Những thực phẩm này có thể tiêu diệt các gốc tự do làm tổn thương khớp gối. Đồng thời vitamin C còn là chất cần thiết tham gia vào sự phát triển sụn khớp.

Tăng lượng dịch khớp

Dịch khớp có thành phần chủ yếu là Acid hyaluronic - chất có tác dụng bôi trơn, giảm sự ma sát giữa hai đầu xương. Đối với những người bị thoái hóa khớp thì lượng chất này sẽ tiết ra ít hơn khiến các cử động của khớp trở nên khó khăn và kém linh hoạt. Đồng thời, khi người bệnh cử động khớp thì sụn khớp sẽ bị bào mòn do lực ma sát.

Vì vậy, bạn nên bổ sung vào bữa ăn các thực phẩm giàu chất nhờn cần thiết cho khớp như: đậu bắp, mồng tơi,…

3. Chế độ ăn cho người bị thoái hóa khớp

Dưới đây là một vài gợi ý về các thực phẩm dành cho người thoái hóa khớp mà bạn nên tham khảo để xây dựng chế độ ăn cho người bị thoái hóa khớp. Các nhóm thực phẩm mà người bị thoái hóa khớp nên ăn là:

Nhóm thực phẩm kháng viêm:

Mức độ protein phản ứng C và Interleukin-6 cao dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Điều này khiến người bệnh phải chịu nhiều cơn đau nhức tại khớp. Vì vậy, để giảm mức độ của hai chất trên người bị thoái hóa khớp nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày một số loại cá giàu acid Omega-3 như: cá trích, cá mòi, cá ngừ,…

Acid Omega-3 có tác dụng làm giảm viêm nhiễm, giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, acid béo này còn giúp bảo vệ sụn khớp trước sự phá hủy của bệnh.

Tuy nhiên, trong các loài cá đều chứa một hàm lượng thủy ngân nhất định. Do đó, người bệnh có thể bị tổn hại đến hệ thần kinh nếu ăn phải chất này quá nhiều.

Đồng thời, bạn có thể lựa chọn thực phẩm nguồn gốc từ thực vật có chứa hàm lượng Omega-3 cao như: quả óc chó, hạt lanh, hạt chia. Đặc biệt, dầu cá là loại thực phẩm bổ sung Omega-3 tốt cho sức khỏe của người bệnh.

Nhóm thực phẩm ngăn ngừa thoái hóa:

Ở người bị bệnh, quá trình thoái hóa ở khớp diễn ra rất nhanh. Do đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy để làm chậm lại quá trình này và tăng cường hệ miễn dịch. Các loại quả tươi như: cà chua, mâm xôi, dâu tây, việt quất,… đều chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao.

Đồng thời, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm từ đậu nành, nho đỏ, hoặc nho đen tươi để cung cấp chất chống oxy hóa cho mỗi bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, vitamin A, C, K đều là chất chống oxy hóa mạnh có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm và một số loại củ quả có màu sắc rực rỡ như: cà rốt, đu đủ, cam,…

Nhóm thực phẩm giàu canxi:

Để xương khớp chắc khỏe hơn, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi. Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa như: phô mai, sữa chua,… thường rất giàu canxi. Do đó, người bệnh nên lựa chọn các loại sữa ít đường, ít chất béo để duy trì cân nặng ở mức bình thường. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thêm các loại nước dùng được hầm từ xương chứa nhiều collagen để giúp tăng sự đàn hồi cho sụn khớp.

Ngoài ra, bạn có thể bổ sung canxi bằng các loại hải sản như: tôm, cua, cá,…

Nhóm thực phẩm giàu protein:

Protein là chất dinh dưỡng tham gia vào sự phát triển của cơ bắp. Để tránh tình trạng bị teo cơ khi khớp thoái hóa, thì việc nên bổ sung các thực phẩm giàu protein là rất cần thiết. Mặc dù thịt đỏ chứa nhiều đạm nhưng bên trong chúng lại có quá nhiều chất béo bão hòa, làm tăng tình trạng viêm nhiễm.

Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng các loại thịt ít chất béo như: ức gà hay thực phẩm nguồn gốc thực vật như: các loại đậu và hạt.

Các loại gia vị:

Gừng, tỏi, nghệ là các loại gia vị có tác dụng diệt khuẩn kháng viêm rất tốt. Do đó, để giảm bớt tình trạng viêm nhiễm người bệnh nên sử dụng chúng vào trong các món ăn. Việc này không chỉ giúp món ăn ngon hơn mà còn tốt cho sức khỏe xương khớp.

Sau khi đọc xong bài viết thì bạn đã nắm rõ các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị thoái hóa khớp. Từ những thực phẩm mà BacSiDinhDuong.com vừa chia sẻ bạn có thể thiết kế cho mình các bữa ăn khoa học và tốt cho xương khớp. Bên cạnh một chế độ ăn uống hợp lý, bạn nên vận động thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe xương khớp.

Nguồn: BacSiDinhDuong.com